HOẠT ĐỘNG HỘI VACNE
Đừng ngồi bàn giấy xét đoán thiên nhiên
Thứ Năm, 09/06/2011 | 02:16:00 PM
VACNE-80 tuổi vẫn lặn lội vào Nam ra Bắc để tìm cách bảo vệ môi trường, vẫn giảng bài, vẫn nghiên cứu xây dựng luật, vẫn dìu dắt thế hệ trẻ tiếp bước để bảo vệ môi trường sinh thái. Ở cái tuổi ấy, ít ai nghĩ rằng GS.TSKH Đặng Huy Huỳnh, Chủ tịch Hội Động vật học Việt Nam, Phó Chủ tịch Hội Bảo vệ Thiên nhiên và Môi trường Việt Nam lại có thể làm được nhiều việc đến thế.
Tự nhiên chính là phòng thí nghiệm
Gặp được ông khó quá, hẹn lần hẹn lượt mãi. Tôi cứ nghĩ một nhà khoa học già thì thời gian sẽ phải rộng rãi lắm, nhưng hình như với ông thì không phải thế?
Đúng là giờ tôi vẫn làm nhiều việc. Tôi tham gia giảng dạy, viết tài liệu hướng dẫn, tham gia hội đồng thẩm định của nhà nước về công trình lớn của nhà nước xây thủy điện, trồng cây công nghiệp, tham gia đánh giá hiện trạng môi trường Việt Nam, tham gia soạn thảo một số luật, tham gia xét duyệt đề cương nghiên cứu khoa học... (Cười). Có vẻ cũng nhiều nhỉ!
Ông không sợ bị người đời bảo ông là tham, là ôm đồm sao?
Đúng là nhiều khi tôi cũng cảm thấy quá tải. Nhưng tôi luôn tâm niệm, mình là nhà giáo, là người làm khoa học vì thế còn làm được điều gì cho đất nước thì cố mà làm. Tôi làm không phải vì mong được cái này, cái kia mà chỉ nghĩ, trong những năm đất nước khó khăn, tôi đã được tạo điều kiện để đi học, trau dồi kiến thức. Giờ mình làm việc vì cái ơn nghĩa ấy. Nói thật, tuy năm nay tôi cũng đã ngoài 80, cái tuổi mà người xưa vẫn quen gọi là "tuổi xưa nay hiếm", nhưng tôi vẫn đi công tác thường xuyên. Lúc đi Phú Quốc, Côn Đảo, khi thì đi Hải Dương, Bắc Ninh, Cao Bằng... Cứ ở đâu cần, thấy sức khoẻ mình có thể đảm bảo là tôi lại đi.
Ông đi nhiều như vậy làm gì?
Tôi là người làm sinh vật, mà đã làm sinh vật thì bắt buộc phải tiếp cận với thiên nhiên, với môi trường. Tự nhiên chính là chiếc phòng thí nghiệm hiện đại hữu ích nhất cho những nhà khoa học như tôi. Vì thế mà phải đi thì mới làm được. Đúng là giờ tôi đã qua cái thời trai trẻ, nhiều khi nghĩ đi vất vả cũng ngại, nhưng không thể ngồi bàn giấy mà xét đoán thiên nhiên. Phải đến tận nơi, nhìn tận mắt thì mới đưa ra được những ý kiến chính xác. Đây là cái tâm của người làm khoa học.
Thế hệ trẻ giờ… lười hơn
GS.TSKH Đặng Huy Huỳnh, nguyên là viện trưởng Viện Sinh thái và Tài nguyên Sinh vật. Hiện ông đang là chủ tịch Hội Động vật Việt Nam, phó chủ tịch Ban chấp hành TƯ Hội Bảo vệ Thiên nhiên và Môi trường Việt Nam, Ủy viên Tổng hội Các ngành Sinh học Việt Nam. |
Là một nhà khoa học "lão làng", ông có so sánh nào về cái sự "dịch chuyển" của thế hệ ông so với các nhà khoa học trẻ bây giờ?
Giới khoa học trẻ bây giờ cũng có nhiều em chịu khó lắm, nhiều em vượt núi băng rừng để tìm các loài mới, cây mới, con mới... Nhưng đấy không phải là số đông. Phải thừa nhận rằng, làm khoa học bây giờ khác với thời chúng tôi. Ngày xưa, chúng tôi chịu đi hơn, hăng say hơn mà hồi chúng tôi, phương tiện thì không có, đường sá cũng khó khăn. Chứ giờ các bạn trẻ đi xa là có ô tô, đường cũng dễ đi vậy mà nhiều bạn vẫn lười lắm.
Theo ông thì đâu là nguyên nhân. Phải chăng là do nhiệt huyết của giới trẻ không bằng thế hệ các ông?
Lớp trẻ bây giờ bị chi phối nhiều thứ mà quan trọng nhất là mục đích phải kiếm sống, phải mưu sinh, sau đó mới tính đến chuyện nghiên cứu khoa học. Không thể đòi hỏi họ phải cống hiến, phải hy sinh, phải đi thật nhiều... trong khi đãi ngộ không tương xứng, họ không sống được bằng nghề, bằng khoa học. Nhưng tôi tin vào lớp trẻ. Các bạn trẻ có ưu điểm là tiếp cận được nhiều thông tin mới, kỹ thuật mới, làm khoa học "hay ho" hơn thời chúng tôi. Nếu có nguồn động viên, họ sẽ phát huy được sức mạnh của mình. Tôi cho rằng ở đây phải có vai trò của lớp người đi trước. Thế hệ lão thành phải có trách nhiệm với thế hệ trẻ, kề cận bên các em trẻ, để động viên, khích lệ niềm hăng say. Tôi tin là các bạn trẻ làm được, mà phải làm được vì tương lai của đất nước phụ thuộc vào các bạn trẻ mà.
Thiên nhiên đang chịu đựng quá sức
Là người làm về đa dạng sinh học, lại đi nhiều ông thấy thiên nhiên của Việt Nam thế nào?
Chỉ có mỗi Trường Sa là tôi chưa có dịp ra thăm, còn trên mảnh đất hình chữ S này, chỗ nào tôi cũng từng đặt chân qua. Phải nói là thiên nhiên Việt Nam đẹp, phong phú, giàu nguồn gen bản địa. Tuy nhiên, điều đau lòng nhất là hiện giờ thiên nhiên Việt Nam đang bị tàn phá nghiêm trọng.
Hình như đó cũng là nỗi buồn của ông sau nhiều năm nỗ lực bảo vệ thiên nhiên?
Rừng bị phá nhiều, động vật bị mất nhiều. Mấy năm gần đây, tỷ lệ trồng rừng có tiến triển tốt, hiện nay chúng ta có khoảng 2 triệu ha rừng, chiếm 38% (đối với an toàn sinh học, độ che phủ của rừng phải đạt 45%). Tuy nhiên, rừng hiện nay của Việt Nam khá đơn điệu, chủ yếu là rừng đơn loài, tính đa dạng không cao. Điều này thể hiện chất lượng rừng không tốt, rừng phải là nhiều cây, nhiều tầng. Hơn thế, nạn lâm tặc chặt phá rừng nguyên sinh vẫn không giảm trong khi đó các chế tài vẫn còn nhiều bất cập. Các loài động thực vật quý hiếm cũng đang suy giảm thậm chí có loài đã biến mất.
Tôi nhớ, những năm đầu thập niên 60 của thế kỷ trước, khi đi công tác, chúng tôi còn nhìn thấy từng con voọc mũi hếch (loài đặc hữu ở Việt Nam) ra suối uống nước, mỗi đàn có đến hàng trăm con, giờ loài này đang có nguy cơ bị tuyệt chủng. Rồi chúng tôi còn tận mắt chứng kiến đàn bò rừng, bò tót, đàn ba bốn năm chục con đi trong rừng. Giờ thì có thấy đâu. Điều đau lòng nhất là trong suốt thời gian qua, nhà nước ta cũng đã quan tâm, đầu tư tiền bạc, quốc tế cũng hỗ trợ, vậy mà rừng vẫn bị chặt, thú vẫn bị giảm. Bi kịch quá.
Bức tranh thiên nhiên Việt Nam hôm nay so với 50 năm trước mà ông nhìn thấy như thế nào?
Cuộc sống ngày càng văn minh, con người sống cũng hiện đại hơn nhưng khi đối xử với thiên nhiên vẫn thiếu thân thiện. Người ta vẫn cứ thản nhiên vứt rác ra đường, các công ty thản nhiên xả thải nếu không bị kiểm soát, không bị phát hiện. Đời sống cao nhưng thiên nhiên lại bị đối xử tàn tệ. Trong số 86 triệu dân, có lẽ chỉ một phần nhỏ nhoi trong đó là ý thức được vai trò của đa dạng sinh học với cuộc sống. Phải nhớ rằng chúng ta lấy đi của thiên nhiên 1 thì sau này thiên nhiên sẽ đòi lại của chúng ta gấp rất nhiều lần. Tự nhiên cũng giống như con người, chỉ có một ngưỡng chịu đựng nào đó. Quá ngưỡng đó thì chính con người sẽ lĩnh hậu họa.
Nhưng rừng đã mất, thú cũng mất, vậy còn gì để mà khắc phục?
Đương nhiên là không dễ, nhưng cũng không phải không làm được. Chúng ta phải hạn chế chặt phá rừng, hạn chế săn bắt động vật... Nhưng đừng làm theo kiểu hô hào khẩu hiệu. Nếu chúng ta chỉ làm theo kiểu "Hãy bảo vệ rừng", "Đừng săn bắt thú rừng", làm kiểu ấy không bao giờ chúng ta làm được.
Vậy theo ông phải làm thế nào?
Phải chia sẻ lợi ích với người dân, phải đảm bảo cuộc sống của người dân. Chỉ khi người dân no ấm, người ta mới không nghĩ tới chặt phá rừng, săn bắt thú rừng. Tôi nghĩ chỉ cần 2/3 dân số nhận thức được vai trò của thiên nhiên và có ý thức bảo vệ thiên nhiên thì chúng ta có thể ít nhiều yên tâm.
Xin chân thành cảm ơn ông!
Tô Lan (thực hiện)
(Theo KH&ĐS)
Lượt xem: 1426
Các tin khác
Dài ngắn (27/01/2025 08:17:AM)
Thêm 15 cây cổ thụ lọt vào danh sách Cây Di sản Việt Nam (13/01/2025 02:36:PM)
Thống kê số lượt truy nhập hàng ngày trên Website VACNE tháng 12/2024 (09/01/2025 09:45:AM)
Phóng sự ảnh về tổng kết chương trình vì môi trường xanh quốc gia năm 2024 (06/01/2025 09:28:AM)
Đề xuất các giải pháp ứng phó với đảo nhiệt đô thị để bảo vệ sức khỏe thị dân và thích ứng với BĐKH (02/01/2025 11:27:AM)
Tổng kết chương trình “Vì Môi trường xanh Quốc gia 2024” (30/12/2024 02:14:PM)
Công nhận 156 Cây di sản Việt Nam tại Vườn Quốc gia Bái Tử Long (23/12/2024 12:23:AM)
Nam Định: Cây Đa Tía trên 120 tuổi được công nhận Cây Di sản Việt Nam (16/12/2024 12:32:PM)
Đổi mới nội dung và phương thức hoạt động là giải pháp quan trọng nâng cao chất lượng tổ chức hội đáp ứng yêu cầu quản lý mới – kinh nghiệm từ vacne (13/12/2024 02:58:PM)